Thể chế kinh tế là gì? Vai trò và chức năng của thể chế kinh tế thị trường? Thể chế kinh tế thị trường là gì? Vai trò, chức năng của thể chế kinh tế thị trường. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
[external_link_head]Nền kinh tế là một trong những mục tiêu chính của bất kỳ quốc gia nào. Nhắc đến điều này không thể thiếu được thể chế kinh tế, bởi đây được coi là các nguyên tắc đặt ra với các chủ thể tham gia vào hoạt động kinh tế này.
Mục lục bài viết
1. Thể chế kinh tế là gì?
Khái niệm thể chế kinh tế
Thể chế kinh tế là “luật chơi” chính thức (Hiến pháp, các Bộ luật và Luật, các văn bản dưới Luật, các chính sách và cơ chế tổ chức thực thi các văn bản đó do Nhà nước hiện thời đặt ra) và phi chính thức (các qui tắc bất thành văn, qui phạm, những điều cấm kị mà các nhóm người trong xã hội tham gia hoạt động trong nền kinh tế tự nguyện tuân thủ) được đặt ra đối với các chủ thể tham gia hoạt động trong nền kinh tế của một quốc gia trong một giai đoạn lịch sử nhất định.
Nội dung của thể chế kinh tế
Thể chế kinh tế là một khái niệm rộng, bao quát nhiều vấn đề phức tạp, có liên quan đến các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, truyền thống, quan hệ quốc tế,…
Vì vậy, nội dung của thể chế kinh tế gồm những vấn đề gì, là vấn đề không dễ thống nhất trong thực tiễn, bởi lẽ nó tùy thuộc vào vị trí, góc nhìn, nghiên cứu và xem xét của mỗi người. Chẳng hạn:
Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: thể chế kinh tế gồm ba thể chế cơ bản:
– Thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp và các tổ chức sản xuất kinh doanh;
– Thể chế bảo đảm đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường;
– Thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển và bảo vệ môi trường.
Đinh Văn Ân và Lê Xuân Bá (năm 2006) cho rằng: thể chế kinh tế có 4 nội dung:
– Các bộ qui tắc tạo thành “luật chơi” kinh tế thị trường gồm khung pháp luật về kinh tế và các qui tắc chuẩn mực về kinh tế;
– Các chủ thể tham gia trò chơi” kinh tế thị trường (người chơi) gồm các cơ quan quản lí nhà nước về kinh tế; các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội;
[external_link offset=1]– Các cơ chế thực thi thể chế kinh tế thị trường (cách chơi) gồm cơ chế cạnh tranh thị trường; cơ chế phân cấp quản lí kinh tế; cơ chế phối hợp, tham gia; cơ chế theo dõi và đánh giá;
– Thể chế kinh tế thị trường cơ bản (sân chơi) gồm thị trường hàng hóa; thị trường tài chính; thị trường khoa học và công nghệ và thị trường bất động sản.
2. Thể chế kinh tế tiếng Anh là gì?
– Thể chế kinh tế trong tiếng anh là Economic Institutions.
– Định nghĩa thể chế kinh tế trong tiếng anh được định nghĩa như sau:
Economic institutions are the official “rules of the game” (the Constitution, Laws and Laws, sub-laws, policies and mechanisms for the implementation of such documents are set by the current State) and informal (unwritten rules, norms, taboos followed by groups of people in the voluntary economy) are imposed on those who participate in the activity. in the economy of a country in a certain historical period.
– Một số những thuật ngữ tiếng anh phổ biến cùng trong lĩnh vực này như:
+ Human rights: nhân quyền
+ A civil liberty: quyền tự do của công dân
+ An advocate of the policy: người ủng hộ chính sách
+ The governor’s authority: quyền hạn của thống đốc
+ A presidential election: cuộc bầu cử tổng thống
+ A political party: một Đảng chính trị
+ Apply for citizenship: xin nhập quốc tịch
+ To enforce a rule: thi hành một điều luật
+ A new generation: một thế hệ mới
+ Cultural diversity: sự đa dạng về văn hóa
+ International recognition: sự công nhận của quốc tế
+ A security camera: camera an ninh
+ A general tendency: một khuynh hướng chung
+ An annual budget: ngân sách hàng năm
+ Official statistics: những thống kê chính thức
3. Vai trò và chức năng của thể chế kinh tế thị trường?
3.1. Thể chế kinh tế thị trường là gì?
Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là một vấn đề lý luận và thực tiễn khá mới mẻ và phức tạp, đã trải qua một quá trình nhận thức, phát triển cả về lý luận lẫn thực hiện trong thực tiễn từ thấp đến cao, từ chưa đầy đủ đến đầy đủ hơn, sâu sắc và hoàn thiện hơn. Cho đến nay, từ các văn kiện, nghị quyết Đảng đến chính sách của Nhà nước, các ngành các cấp và toàn thể xã hội hầu như đều thống nhất quan điểm: thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam được cấu thành bởi hệ thống các bộ phận khác nhau mà mỗi bộ phận cũng là một hệ thống phức tạp gồm nhiều yếu tố.
Các bộ phận cơ bản của thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam gồm:
[external_link offset=2](1) Các luật lệ, quy tắc điều hành nền kinh tế;
(2) Các chủ thể tham gia vào hoạt động trong nền kinh tế;
(3) Cơ chế thực thi các luật, quy tắc và điều chỉnh các mối quan hệ giữa các chủ thể; (4) Hệ thống thị trường.
Các luật, quy tắc điều chỉnh thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta bao gồm khung khổ pháp lý do nhà nước ban hành và các quy tắc, chuẩn mực xã hội khác như những quy định của các hiệp hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp… Trong hệ thống quy tắc và chuẩn mực đó thì thể chế do nhà nước ban hành đóng vai trò quyết định đến các hành vi kinh tế của các chủ thể trong nền kinh tế thị trường, trong khi những quy tắc, chuẩn mực xã hội khác cũng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của các chủ thể kinh tế.
Các chủ thể trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, cộng đồng dân cư và người dân. Gần đây một số tài liệu xếp các tổ chức nghề nghiệp và hiệp hội vào nhóm các tổ chức xã hội dân sự. Cả ba nhóm chủ thể này đều có vai trò quan trọng trong quá trình vận hành, tồn tại và phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó doanh nghiệp là trung tâm, nhà nước thực hiện chức năng kiến tạo phát triển, đề ra luật và các quy định, chuẩn mực buộc các chủ thể khác phải thực hiện đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Các tổ chức xã hội dân sự và người dân có vai trò giám sát và phản biện cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.
Cơ chế thực thi các quy tắc, chuẩn mực và điều chỉnh các quan hệ giữa các chủ thể của thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN bao gồm các cơ chế vận hành của kinh tế thị trường và cơ chế quản lý của nhà nước như: cơ chế cạnh tranh thị trường, cơ chế phân cấp, cơ chế phối hợp và tham gia, cơ chế theo dõi và đánh giá, giải trình…
Hệ thống thị trường bao gồm thị trường hàng hoá dịch vụ cuối cùng, thị trường yếu tố sản xuất (như thị trường vốn, lao động, khoa học công nghệ, bất động sản…). Các loại thị trường là nơi diễn ra tương tác giữa các chủ thể kinh tế.
3.2. Vai trò, chức năng của thể chế kinh tế thị trường
Khi chuyển sang thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN với nội dung cốt lõi là : Phát triển nền kinh tế đa sở hữu – đa thành phần; trong nông nghiệp xóa bỏ HTX – tập thể hóa và xác lập hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, trao quyền làm chủ ruộng đất và tư liệu sản xuất cho hộ nông dân; Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu tư liệu sản xuất và tài sản chính đáng của mọi người, mọi tổ chức; mọi người, mọi tổ chức được quyền tự chủ sản xuất kinh doanh theo pháp luật; thực hiện sự phân phối theo lao động và theo các hình thức khác mà pháp luật quy định… Kinh tế thị trường với các quy luật khách quan của nó đặt lên hàng đầu “lợi nhuận, hiệu quả, năng lực cạnh tranh không ngừng nâng lên”; đồng thời kinh tế thị trường cũng luôn ẩn chứa những rủi ro có khi rất lớn.
Chính những điều này đặt ra những yêu cầu – tiêu chí mới về giá trị con người, giá trị nhân lực, giá trị xã hội, giá trị văn hóa nói chung, trong đó nổi lên hàng đầu là các giá trị năng động, sáng tạo, luôn đổi mới, có tư duy chiến lược, quyết đoán, có năng lực dự báo, dám mạo hiểm…Thể chế kinh tế mới này đặt mỗi chủ thể, mỗi con người, mỗi đơn vị sản xuất kinh doanh trở thành chủ thể của chính mình.Thành quả hoạt động kinh tế trở thành thước đo giá trị về năng lực, phẩm chất, con đường thăng tiến, địa vị xã hội của mỗi người và mỗi đơn vị sản xuất kinh doanh; đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu – giá trị mới đối với mỗi người, mỗi cấp lãnh đạo – quản lý.
Đối với Việt nam, hiện đang phải giải quyết đồng bộ nhiều mối quan hệ trong việc đổi mới và hoàn thiện Thể chế phát triển đất nước. Hiện nay đang thấy rõ đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế; Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ quan điểm phải “Đổi mới đồng bộ và phù hợp về kinh tế và chính trị”, đó cũng chính là yêu cầu đặt ra đối với “đột phá đổi mới và hoàn thiện thể chế phát triển đất nước” trong giai đoạn mới.
3.3. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Một số định hướng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đặt ra tại Việt Nam bao gồm:
Trước hết, phải hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các khung khổ thể chế, pháp luật theo hướng ổn định, cụ thể, minh bạch và thực thi nghiêm túc để phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, bảo đảm đầy đủ quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường. Xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường.
Hai là, làm cho thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất hoạt động đầy đủ, không méo mó, không sai lệch và trở thành yếu tố quyết định trong huy động và phân bổ nguồn lực xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, cần ưu tiên hoàn thiện thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học công nghệ để thúc đẩy huy động nguồn lực và đổi mới sang tạo. Việc tạo khuôn khổ pháp lí thích ứng với các nguyên tắc thị trường là yếu tố quan trọng nhất để hình thành và phát triển mạnh thị trường đất, quyền sử dụng đất một cách thực sự thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp hàng hóa qui mô lớn, phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gắn với giải quyết việc làm và tăng thu nhập.
Ba là, Nhà nước tiếp tục chủ động giảm bớt và thay đổi vai trò và chức năng của mình, qua đó, làm thay đổi vai trò, chức năng của thị trường và quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Nhà nước thực hiện tốt chức năng xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực phát triển (vốn, đất đai, khoáng sản, tài nguyên…) theo cơ chế thị trường. Bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh, thực thi hợp đồng của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Bốn là, tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, tiếp tục mở rộng và thực thi dân chủ, đảm bảo thực hiện đầy đủ và thực chất các quyền con người, quyền công dân; thiết lập cơ cấu quản trị quốc gia không có xung đột lợi ích, cân bằng giữa quyền lực và giám sát quyền lực, trách nhiệm giải trình đầy đủ trước người dân và doanh nghiệp. Tập trung đổi mới quản trị nhà nước theo hướng quản trị nhà nước tốt.
Tiếp tục đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, thu gọn đầu mối theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Nâng cao chất lượng, đổi mới công cụ quản lý nhà nước, đặc biệt hệ thống pháp luật hướng đến duy trì kỷ cương, trật tư xã hội, đảm bảo thượng tôn pháp luật, thiết lập và duy trì cạnh tranh thị trường công bằng, khắc phục khiếm khuyết của thị trường.
Đổi mới và nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước; tách chức năng làm chính sách và chức năng thực thi chính sách. Đảm bảo nhất quán giữa luật pháp và thực thi luật pháp, nâng cao tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân nhằm giảm rủi ro, tăng mức độ an toàn pháp lý; giảm chi phí tuân thủ, mở rộng cơ hội và khuyến khích sáng tạo kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. [external_footer]