Mục lục bài viết
1. Bột khai là gì?
Bột khai là loại bột khô, màu trắng đục và có mùi khai rất đặc trưng, còn được gọi là Baking Ammonia, tên tiếng Anh là Ammonium bicarbonate và tên tiếng Pháp là Bicarbonate d’ammonium.
Bột khai là một loại phụ gia thực phẩm, có chứa chất code E 503(ii) – tác dụng trong việc gây nở xốp và làm nổi thực phẩm. Có thể nói bột khai là một hợp chất hóa học, vì có thể tự phân hủy ở không khí, tạo ra khí gas carbonique và nước giống như amoniac vậy.
Ở nhiệt độ bình thường, bột khai có khả năng tự phân hủy chậm, nhưng khi ở nhiệt độ cao thì khả năng tự phân hủy tăng lên gấp bội, nên làm cho mùi khai của bột nhanh chóng tự bay hơi và người dùng tránh ngửi được mùi khó chịu khi sử dụng thực phẩm có dùng bột khai.
Hiện nay, nhiều người lạm dụng việc sử dụng bột khai trong làm bánh, để tăng độ giòn và nở xốp, làm cho mùi khai vẫn còn giữ lại thay vì bay mất. Điều này vô cùng gây hại, vì khi gặp nhiệt hợp chất NH4HCO3 sẽ bị phân giải thành thể khí NH3 – xuất hiện mùi khai và có tính độc.
Ngoài ra, bột khai còn được dùng trong các hợp chất chữa cháy, một số loại dược phẩm, thuốc nhuộm, chất nhuộm trong dệt may, làm chất tẩy dầu mỡ,….
2. Công dụng của bột khai trong làm bánh
Nhờ đặc tính hóa học của bột khai, nên phụ gia này được sử dụng khá phổ biến trong việc làm bánh:
Giúp bánh nở xốp, giòn, thơm ngon
Do bột khai tự phân hủy nhanh ở nhiệt độ cao, nên phụ gia này được sử dụng trong một số loại bánh chiên, hấp phổ biến như: bánh bao, bánh tiêu, bánh quẩy, bánh đùi gà,… giúp chúng nở xốp, thơm ngon.
[external_link offset=1]Giúp bánh nở to, trông bắt mắt
Bột khai được sử dụng phổ biến khi làm bánh bao, vì khi đem hấp (ở nhiệt độ cao), nếu khí sinh ra càng nhiều thì bánh bao sẽ nở càng to, trông bắt mắt cũng như mang lại hiệu quả kinh tế cho người bán.
Lưu ý khi sử dụng bột khai:
- Tránh để rơi hay tiếp xúc với da, vì dễ làm đau rát. Nếu bột khai dính trực tiếp lên da, thì cần rửa sạch với nước và xà bông ngay lập tức.
- Tránh hít phải bột khai, vì có thể dẫn đến khó thở, hoặc ảnh hưởng đến đường hô hấp.
- Tránh ăn các thực phẩm chứa nhiều bột khai (tiêu thụ lượng bột khai nhiều) sẽ dẫn đến tình trạng buồn nôn, hay làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Trường hợp, tiêu thụ quá nhiều bột khai, bạn nên uống nhiều nước và nhanh chóng đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
3. Mua bột khai ở đâu?
Vì bột khai là loại phụ gia thực phẩm nên bạn có thể tìm mua loại bột này ở những cửa hàng chuyên bán thực phẩm làm bánh, thực phẩm khô như ở chợ, thậm chí là một số cửa hàng trực tuyến như Ebay,… và đừng quên nhớ tìm kiếm bằng tên tiếng Anh khi mua ở website nước ngoài bạn nhé!
Lưu ý: Tham khảo kĩ nguồn gốc nhà sản xuất và hạn sử dụng trên bao bì của bột khai. Đồng thời, sử dụng đúng liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
4. Cách bảo quản bột khai
Để bảo quản bột khai, bạn nên:
- Đựng trong hủ thực phẩm (đậy kín nắp), hoặc bao bì kín (hút chân không thì càng tốt).
- Đặt ở những nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt, tránh côn trùng xâm nhập.
5. Cách sử dụng bột khai
Lạm dụng nhiều bột khai trong thực phẩm sẽ gây tác động tiêu cực đến sức khỏe người dùng, lẫn người chế biến thực phẩm. Vì thế, Điện máy XANH khuyên bạn nên đọc kĩ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất (nếu có) và hãy trang bị kiến thức khi sử dụng bột khai.
Chẳng hạn:
- Với 1kg bột mì, bạn nên dùng khoảng 5 – 50gr bột khai. Đồng thời, trước khi sử dụng bạn nên pha loãng bột khai với nước theo tỉ lệ 1:5.
- Ưu tiên dùng bột khai cho những loại bánh có kích nhỏ, cỡ vừa, vì nếu chúng chưa kịp bay hơi thì khi ăn bánh sẽ ngửi thấy mùi khai, rất khó chịu.
- Có thể thay thế bột khai với một số phụ gia tương tự như baking soda, baking powder (bột nở),…. Tuy nhiên, bột khai cũng có ưu điểm nhất định hơn phụ gia khác, đó là giúp bánh nở xốp tối đa.
6. Một số món bánh sử dụng bột khai
Bạn có thể bắt gặp một số món bánh được dùng bột khai như:
[external_link offset=2]Bánh bao
Bánh bao là loại bánh rất dễ ăn đối với mọi lứa tuổi và phổ biến ở nhiều nước trong khu vực châu Á. Lớp bánh bên ngoài mịn, mềm cùng với phần nhân hấp dẫn, đa dạng bên trong như xá xíu, sầu riêng, gà nướng, thịt băm – trứng cút,….
Bánh bao có thể được dùng vào buổi sáng, trưa và tối, hoặc bất kì khi nào bạn muốn thưởng thức vì loại bánh này rất dễ ăn.
Bánh tiêu
Bánh tiêu cũng rất được ưa chuộng và thường được người Việt dùng vào xế chiều, buổi tối nhiều hơn. Vì một số người không có thói quen dùng bánh chiên (ngập dầu) vào buổi sáng, thỉnh thoảng bánh tiêu cũng được kẹp chung với bánh bò để trở thành điểm tâm của một số bạn yêu thích.
Bánh quẩy
Bánh quẩy là loại bánh thường được ăn kèm với cháo, thậm chí loại bánh này còn được ăn kèm với sữa đậu nành, hoặc chấm riêng với nước chấm.
Như vậy, Điện máy XANH đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bột khai là gì? Công dụng của loại bột này trong làm bánh ra sao rồi nhé!
https://en.wikipedia.org/wiki/Ammonium_bicarbonate
Biên tập bởi Nguyễn Loan Minh Trang • 12/05/2020[external_footer]