Acetylcystein : Chỉ định, liều dùng và tác dụng phụ

Bài viết bởi Dược sĩ Nguyễn Thu Giang – Khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Acetylcystein là thuốc được sử dụng khá phổ biến để điều trị ho có đờm và được mua dễ dàng, không cần đơn thuốc ở các nhà thuốc với rất nhiều biệt dược khác nhau, nhiều dạng dùng khác nhau thích hợp với các đối tượng từ trẻ em đến người lớn. Tuy nhiên, không vì thế mà có thể lạm dụng thuốc.

[external_link_head]

Mục lục bài viết

1. Chỉ định

Thuốc được nhà sản xuất khuyến cáo sử dụng trong trường hợp:

Tiêu đờm nhầy trong 1 số bệnh lý đường hô hấp có tăng tiết đờm nhầy do cắt các liên kết disulfide trong mucoprotein (thành phần của chất nhầy) nên làm giảm độ quánh của chất nhầy. Từ đó chất nhầy được tống ra khỏi đường hô hấp dễ hơn bằng cách ho, dẫn lưu tư thế hoặc bằng phương pháp cơ học.

[external_link offset=1]

Ngoài ra, acetylcystein còn được dùng làm thuốc giải độc khi quá liều paracetamol và giảm độc tính trên thận của các thuốc cản quang.

2. Dạng bào chế

Thuốc có nhiều dạng bào chế khác nhau phù hợp với các chỉ định khác nhau:

  • Đường uống thông dụng có viên nén 200mg, gói thuốc bột 100mg, 200mg
  • Dung dịch thuốc hít qua miệng, thuốc nhỏ vào khí quản và thuốc uống 100mg/mL, 200mg/mL
  • Dung dịch tiêm đậm đặc: 200mg/mL để pha dịch truyền.

Ở Việt Nam, đa số trường hợp sử dụng acetylcystein dạng viên nén hoặc gói thuốc bột để tiêu đờm.

Acetylcystein : Chỉ định, liều dùng và tác dụng phụ

Acetylcystein là thuốc được sử dụng khá phổ biến để điều trị ho có đờm

3. Liều dùng

Theo Dược thư Quốc Gia Việt Nam 2015, liều dùng cho chỉ định tiêu đờm như sau:

  • Người lớn và trẻ em trên 7 tuổi: 200mg/ lần x 3 lần/ ngày. Liều tối đa không quá 600mg/ ngày
  • Trẻ em từ 2-7 tuổi: 200mg/ lần x 2 lần/ ngày.
  • Trẻ em < 2 tuổi: 50mg/lần x 2-3 lần/ ngày.

Tuy nhiên, riêng với trẻ < 2 tuổi, sử dụng thuốc hết sức thận trọng vì đối tượng này khó khạc ra đờm một cách chủ động, có nguy cơ gặp phản ứng không mong muốn nhiều hơn, đặc biệt là nguy cơ suy hô hấp nên đa số nhà sản xuất khuyến cáo không nên sử dụng sản phẩm này cho trẻ < 2 tuổi.

[external_link offset=2]
Acetylcystein : Chỉ định, liều dùng và tác dụng phụ

Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt liều dùng theo đơn của bác sĩ

4. Tác dụng phụ

Tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng sản phẩm bao gồm:

  • Thường gặp với tỷ lệ gặp > 1% gồm: buồn nôn, nôn, đỏ bừng mặt, phù, tim đập nhanh
  • Ít gặp với tỷ lệ gặp từ 0,1% – 1% gồm: buồn ngủ, nhức đầu, ù tai, viêm miệng, chảy nước mũi nhiều, ran ngày, phát ban, mày đay
  • Hiếm gặp nhưng nghiêm trọng gồm: co thắt phế quản gây khó thở, suy hô hấp, phản ứng phản vệ toàn thân, sốt, rét run.

5. Lưu ý khi sử dụng

Khi uống acetylcystein, cần lưu ý:

  • Để giảm khả năng nôn do thuốc có thể pha loãng dung dịch uống (nếu pha gói bột) hoặc uống nhiều nước (nếu uống viên)
  • Không được dùng đồng thời với các thuốc ho khác hoặc bất cứ thuốc nào làm giảm bài tiết đờm.
  • Nếu có tiền sử hen suyễn, bạn hãy báo cho bác sỹ hoặc dược sỹ để được theo dõi chặt chẽ.
  • Nếu trước khi sử dụng thuốc, bạn bị giảm khả năng hoặc thấy khó khăn khi ho thì sau khi dùng thuốc, có thể bạn cần được hút đờm.
  • Đọc kỹ các thành phần (cả phần tá dược) vì có 1 số sản phẩm có chứa sorbitol, cần thận trọng nếu bạn không sử dụng được đường

Nguồn: Dược Thư Quốc Gia Việt Nam 2015, Medicines.org.uk

[external_footer]

Rate this post

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *